Những cây cầu đẹp nhất Đà Nẵng nhìn từ camera bay
Dọc sông Hàn, những cây cầu cách nhau từ 1 đến 2 km khiến giao thông trở nên thuận tiện, đồng thời giúp thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng.
Cầu treo dây văng Thuận Phước nằm ở phía đông thành phố, bắc qua 2 bờ sông Hàn, đổ ra Vịnh Đà Nẵng, nối đường Nguyễn Tất Thành với cầu Mân Quang, giữa 2 Quận Hải Châu và Sơn Trà. Được khởi công xây dựng năm 2003 với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, cầu được khánh thành tháng 7/2009.
Cầu dài 1.856 m, rộng 18 m và cao 92 m. Đây được xem là một trong những động lực thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế phía đông của thành phố.
Cầu sông Hàn khởi công 1998 và khánh thành ngày tháng 3/ 2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên và duy nhất hiện nay do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công. Đây là vạch nối liền hai trục chính của thành phố là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu có chiều dài 487,7 m, rộng 12,9 m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 m, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, mặt cầu bằng bê tông cốt thép.
Cầu Sông Hàn không chỉ tạo thêm thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn phía đông thành phố, mà còn là một dấu ấn văn hóa của người Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ 21.
Cầu Rồng thông xe tháng 3/2013 có chiều dài 666 m, rộng 37,5 m với 6 làn xe chạy, kinh phí xây gần 1.500 tỷ đồng. Cầu bắc qua sông Hàn tại bùng binh Lê Đình Dương, Bạch Đằng, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các đường chính trong thành phố Đà Nẵng và một tuyến đường trực tiếp đến bãi biển Mỹ Khê, Non Nước ở rìa phía đông. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và nước.
Tại lễ trao Giải thưởng kỹ thuật xuất sắc (Engineering Exellence Award – EEA) diễn ra tại Mỹ, cầu Rồng của Việt Nam được xướng tên cùng 7 công trình khác. Ngoài ra, cầu Rồng còn được giải thưởng quốc tế về công trình thiết kế, chiếu sáng xuất sắc của thế giới.
Cầu Rồng có sức hấp dẫn đối với du khách mỗi khi đến với Đà Nẵng. Nét đặc trưng của cầu dễ phân biệt là hệ thống kết cấu dầm thép dưới dạng một con rồng bay qua sông Hàn, hướng ra biển. Đây được cho là thiết kế độc đáo chưa từng có trên thế giới về kết cấu chịu lực, là sự kết hợp giữa dầm thép, vòm thép và dầm bê tông. Thân rồng có kết cấu vòm bằng tổ hợp 5 ống thép vừa có tính năng nâng các nhịp cầu, vừa làm nền cho các vảy rồng. Hệ thống chiếu sáng cầu gồm 15.000 đèn led.
Cầu Trần Thị Lý được khởi công từ tháng 4/2009, với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng cùng những công nghệ thi công kỷ lục. Nó bắc qua sông Hàn nằm phía thượng lưu, cách cầu Rồng khoảng 1 km sau hơn 3 năm thi công với hình ảnh cánh buồm căng gió vươn ra biển. Cầu Trần Thị Lý đã trở thành một điểm tham quan, chụp ảnh mới cho du khách khi đến du lịch Đà Nẵng.
Cầu Trần Thị Lý (nằm song song cầu cũ Nguyễn Văn Trỗi) có tổng chiều dài 731 m, bề rộng mặt cầu 34,5 m cùng hệ thống dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực dài 450 m (gồm nhịp chính, mố và hầm chui) cùng hệ thống cảnh quan cây xanh hiện đại. Đây là cây cầu hiện đại với kiến trúc và kết cấu độc đáo khi sử dụng hệ dây văng 3 chiều kết hợp trụ tháp nghiêng 12 độ về phía tây, cao 145 m so với mặt nước biển, gối ngàm cứng độc đáo nhất Việt Nam.
Cầu Tiên Sơn được khánh thành tháng 2/2004, với kinh phí 150,3 tỷ đồng lấy từ nguồn vay ODA của chính phủ Nhật bản. Cầu dài 529 m, rộng 25 m được thiết kế vĩnh cửu, khổ thông thuyền rộng 40 m, cao 6 m đảm bảo cho tàu thuyền qua lại an toàn cả trong mùa mưa lũ. Cầu nối từ giao lộ Ngũ Hành Sơn – Hồ Xuân Hương thuộc quận Ngũ Hành Sơn đến giao lộ đường 2/9 – Xô Viết Nghệ Tĩnh thuộc quận Hải Châu. Đây là cây cầu thứ 5 bắc qua các nhánh sông Hàn của Đà Nẵng.
Cầu Tiên Sơn phục vụ chủ yếu cho công tác mở rộng cảng Tiên Sa, đồng thời là cây cầu lớn trên quốc lộ 14 thuộc hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) trong hệ thống đường bộ xuyên Á nằm trên lãnh thổ Việt Nam.


-----------------------------------------------------------------------------